Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ
thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu
tố rất quan trọng, quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do
vậy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng là yếu tố rất quan trọng
góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên của
chi bộ đảng. Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là nền móng của
Đảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt”; “Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần
chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ”.Chất lượng sinh hoạt chi bộ là
một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng. Sinh hoạt chi bộ là phương cách để phòng bệnh từ sớm, từ xa; chữa trị
bệnh khi căn bệnh đó “còn trong trứng nước”. Sinh hoạt chi bộ là trường học để
rèn luyện cấp ủy, bí thư cấp ủy và đảng viên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của
mỗi cấp ủy viên, đảng viên đều được biểu hiện và được rèn luyện, chỉnh sửa uốn
nắn trong chi bộ. Chi bộ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là
nơi trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với đảng viên, đồng thời cũng là nơi đảng viên sinh hoạt nhiều nhất. Thông qua
sinh hoạt chi bộ để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời bộc lộ tính cách,
sở trường, thế mạnh cũng như thiếu sót, khuyết điểm của đảng viên. Từ chi bộ,
đảng viên có điều kiện để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, giữ gìn, nâng
cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, lập trường cách mạng.
Quang
cảnh một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Sinh hoạt chi bộ là công việc định kỳ
hằng tháng. Vì cứ mỗi tháng diễn ra một lần và khi so sánh nội dung sinh hoạt
giữa các tháng, dường như gần giống nhau nên xuất hiện tình trạng coi nhẹ sinh
hoạt chi bộ. Đánh giá chưa đúng mức tầm quan trọng, cũng như tác dụng của sinh
hoạt chi bộ không chỉ xuất hiện ở một số đảng viên bình thường mà còn có thể có
ở một số cấp ủy viên và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính
trị, từ đó dẫn đến một số tình trạng: Coi trọng công tác chuyên môn hơn sinh
hoạt chi bộ, từ đó xếp lịch làm việc “ưu tiên” họp chuyên môn trước, họp chi bộ
sau, hoặc “tiện thể” lồng ghép công tác đảng sau khi họp chính quyền. Chi ủy
chuẩn bị nội dung không chu đáo, cẩn thận, đến khi họp chi bộ điều hành lúng
túng, không rõ trọng tâm, chủ đề buổi sinh hoạt. Đảng viên không được thông tin
trước về nội dung cụ thể nên không chuẩn bị ý kiến phát biểu, tham luận. Trong
hội nghị chi bộ hoặc là không tham gia ý kiến, hoặc là phát biểu qua loa, chiếu
lệ, thậm chí lan man không đúng chủ đề.
Tình trạng họp chi bộ không phát biểu ý
kiến, “mũ ni che tai” đang xảy ra ở mức độ rất đáng lo ngại ở một bộ phận
đảng viên, nhất là đảng viên mắc bệnh “cơ hội”, đảng viên trẻ tuổi đời, ít tuổi
đảng. Tình trạng không được nói (thời gian họp chi bộ không đủ, lãnh đạo độc
đoán, chuyên quyền, hách dịch, thiếu dân chủ), không dám nói (người nói sợ mất
lòng cấp trên) thì sinh hoạt chi bộ chỉ là hình thức mà không thực chất. Các
“sản phẩm” của cuộc họp đầy đủ nhưng không có chất lượng. Nghị quyết thông qua
trong phiên họp thiếu dân chủ, không ai dám nói lên ý kiến quan điểm cá nhân
của mình, nhất là ý kiến khác với bí thư chi bộ thì nghị quyết đó chỉ là sự
“hợp thức hóa” ý chí của thiểu số. Đảng viên không dám nói cũng có nghĩa là
không dám đấu tranh tự phê bình và phê bình. Trong khi tự phê bình và phê bình
là nguyên tắc, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Có tự phê bình và
phê bình mới tìm ra những căn bệnh đang phá hoại cơ thể của Đảng, bắt đúng bệnh
sẽ tìm được đúng thuốc để chữa trị.
Quang
cảnh một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị
quyết Trung ương 5 (khoá XIII) xác định: Cần
quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng, đảng
viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung
sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương
về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kịp thời phát hiện,
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ. Thực hiện nghiêm chế
độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ,
nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng
sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thông tin, phổ
biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước;
lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân. Chú
trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kịp thời phát hiện, biểu dương,
khen thưởng, nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời phê bình, xử lý
tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên đối với
những nội dung mới, cần thiết cho tổ chức cơ sở đảng và thường xuyên kiểm tra,
giám sát việc sinh hoạt chi bộ. Tăng cường sinh hoạt chuyên đề, chú trọng những
vấn đề mới, cần quan tâm.
Cùng
với đó, chi uỷ chi bộ cần tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đảng viên thấy rõ
nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Thấy rõ tầm quan trọng của sinh
hoạt chi bộ để sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị nội dung phát biểu, góp ý thật xác
đáng vào các quyết định của chi bộ. Nêu cao tinh thần tự giác và chủ động của
cấp uỷ viên cũng như từng đảng viên.
Cấp uỷ chi bộ cần chuẩn bị tốt nội dung
cuộc họp. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần họp để chuẩn
bị nội dung cho cuộc họp chi bộ, thông qua dự thảo nghị quyết của chi bộ. Phiên
họp chi ủy thường chỉ có 3 hoặc 5 chi ủy viên, tất cả có thể “đặt lên bàn”, nói
thẳng, nói thật; giải quyết những vướng mắc, những chỗ chưa thống nhất giữa các
chi ủy viên. Khi chi ủy đã thống nhất, phát ngôn của chi ủy viên phải tuyệt đối
chấp hành ý kiến tập thể chi ủy đã kết luận, không được nói, viết ý kiến cá
nhân trái với ý kiến tập thể. Chi uỷ chủ động thông báo lịch họp và chương
trình nghị sự phiên họp. Đối với chi bộ
lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở những địa bàn ổn định, đảng viên tập trung, đặc
biệt là chi bộ “hưu trí” có thể ấn định một ngày cố định trong tháng để họp chi
bộ. Cố định ngày họp chi bộ để đảng viên chủ động công việc chuyên môn và sinh
hoạt gia đình để tham gia đầy đủ, đúng giờ và chuẩn bị nội dung phát biểu chu
đáo. Đối với những chi bộ mà đối tượng lãnh đạo là những đơn vị công tác hợp
thành bởi nhiều chuyên môn khác nhau, địa bàn trải dài nhiều địa phương… thì
cần lựa chọn ngày “tối ưu” để đảng số cao nhất, nội dung thảo luận kỹ nhất và
quyết nghị chuẩn xác nhất.
Để buổi sinh hoạt
chi bộ đảm bảo chất lượng thì công tác điều hành
của người chủ trì có vai trò hết sức quan trọng, bởi điều hành linh hoạt, giải
quyết các phần việc gọn gàng, đúng quy định, khơi gợi được nhiều ý kiến cá
nhân, thảo luận kỹ lưỡng, kết luận chuẩn xác và biểu quyết thông qua nghị quyết
là những nhân tố quyết định thành công tốt đẹp của một cuộc sinh hoạt chi bộ.
Quá trình điều hành sinh hoạt chi bộ cần bảo đảm đúng quy định và hướng dẫn của
cấp trên, đúng chương trình nghị sự đã thông báo; đúng nguyên tắc tập trung dân
chủ; các quyết nghị của chi bộ phải đúng trình tự, thủ tục. Người chủ trì cần
nắm chắc, nắm vững nguyên tắc, có kiến thức về xây dựng Đảng. Đối với những bí
thư chi bộ mới được bầu giữ chức vụ thường chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như
kiến thức về công tác Đảng nên dễ lúng túng, bị động trong điều hành cuộc họp,
do đó, cần tích cực học tập, nghiên cứu và rèn luyện trong thực tiễn.
Trong sinh hoạt chi bộ cần phát huy dân chủ, tôn trọng và
bảo lưu ý kiến đảng viên và ý kiến thuộc về thiểu số. Nguyên tắc
quan trọng nhất trong tổ chức, sinh hoạt đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong những nội dung chính yếu của nguyên tắc này, Điều
lệ Đảng quy định: “trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến
của mình, đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo
lên cấp ủy cấp trên”. Việc phát biểu ý kiến tại cuộc họp chi bộ vừa là quyền
lợi, vừa là nghĩa vụ của đảng viên, nghị quyết của phiên họp, cũng như các
quyết định của chi bộ sẽ đúng đắn nhất khi chúng ta phát huy được quyền dân chủ
của đảng viên.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt, đúng nguyên
tắc tập trung dân chủ, cộng với tình thương yêu đồng chí là liều “vắc-xin” hiệu
quả để phòng và chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng
viên, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng
của Đảng./.
Lại Vũ Hiệp