Nam điều dưỡng tận tâm với bệnh nhi
Lượt xem: 108
Những điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị, giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi. Gắn bó với công việc này, nam điều dưỡng trẻ Lâm Đình Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh luôn dành tâm huyết, tình yêu nghề để phục vụ bệnh nhi.

“Tôi coi bệnh nhi như chính con của mình vậy”, điều dưỡng Dũng chia sẻ. Vì thế, anh chu đáo, cẩn trọng khi tiêm, truyền, chăm sóc, theo dõi sức khỏe bệnh nhi, đồng thời hướng dẫn chi tiết cho cha mẹ cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con. Giọng nói trầm ấm, sự nhiệt tình, ân cần của điều dưỡng Dũng đã chiếm trọn tình cảm, sự tin tưởng của bệnh nhi và phụ huynh khi đến điều trị tại bệnh viện.

Điều dưỡng Lâm Đình Dũng viết hồ sơ bệnh án.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Dũng nói rằng, mình thấy thương nhất những em bé bị thiếu máu huyết tán. Anh kể về trường hợp hai anh em bệnh nhi Nguyễn Thiên Hải và Nguyễn Chí Thiện ở xã Gia Phú (Bảo Thắng) đều mắc căn bệnh hiểm nghèo này, 2 lần 1 tháng đều đặn phải đến truyền máu. Sự khắc khổ, vất vả của mẹ các em, hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn để lo cho hai con vượt qua bệnh tật, duy trì sự sống khiến anh Dũng thương cảm và dành sự quan tâm đặc biệt. Anh Dũng bộc bạch: Mỗi lần vào bệnh viện, bệnh nhi thiếu máu huyết tán luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, tôi quan sát bệnh nhi để tư vấn kịp thời cho gia đình về dinh dưỡng cho trẻ và cần hạn chế để trẻ vận động tránh vỡ gan, lách. Khi có các đoàn từ thiện, chúng tôi cũng sẽ ưu tiên cho bệnh nhi thiếu máu huyết tán những suất quà, phần cơm, cháo để gia đình bớt gánh nặng.

Chính sự gần gũi của anh Dũng mà các bệnh nhi thiếu máu đã quen, luôn thân thiết, vui vẻ, không e dè khi anh đến thăm phòng bệnh.

Khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chỉ có 2 điều dưỡng nam. Không kém các đồng nghiệp nữ trong việc chăm sóc bệnh nhi, anh Dũng chia sẻ rằng: Trước đây, ai cũng nghĩ nghề điều dưỡng chỉ phù hợp với nữ giới, bởi đòi hỏi cao về sự khéo léo, tỉ mỉ. Tuy nhiên, là nam điều dưỡng, tôi cũng có những lợi thế riêng trong công việc, bởi ở nhà đã có vợ là hậu phương vững chắc, nên những buổi trực đêm, tôi không phải lo lắng cho con gái nhỏ và bản thân có sức khỏe hơn những đồng nghiệp nữ nên không thấy mệt mỏi nhiều. Chính vì vậy, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, anh Dũng đã nhận trực thay các đồng nghiệp khác. Đón Tết cùng các bệnh nhân, lời chúc Tết mọi người dành cho nhau, dành cho anh nhiều nhất đó là sức khỏe dồi dào. Anh Dũng cho biết: Những bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong dịp Tết đều là những trường hợp cấp cứu, bởi vậy công việc vất vả hơn, chúng tôi phải túc trực cả đêm để kịp thời hỗ trợ bệnh nhi. Tôi chăm sóc bệnh nhi, động viên phụ huynh để san sẻ với họ những vất vả, khó khăn khi phải ăn Tết xa nhà.

Qua cuộc trò chuyện và trực tiếp chứng kiến một buổi làm việc của anh Dũng, chúng tôi hiểu hơn những vất vả của cán bộ y tế làm công tác điều dưỡng. Họ phải đảm nhận rất nhiều công việc, từ tiếp nhận bệnh nhân, theo dõi tình trạng người bệnh, đến phát thuốc, tiêm, truyền theo y lệnh… Gắn bó với người bệnh trong một thời gian dài, mỗi người bệnh lại có tình trạng khác nhau, tâm lý khác nhau, bởi vậy, ngoài vững vàng về chuyên môn, điều dưỡng viên còn phải hiểu tâm lý để kịp thời chia sẻ, động viên người bệnh, cho dù mệt mỏi đến đâu cũng luôn vui vẻ, thân thiện để người bệnh hài lòng.

Hướng theo tôn chỉ của nghề y “lương y như từ mẫu”, anh Dũng và những đồng nghiệp của mình vẫn luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc, phục vụ tốt để mang lại sức khỏe cho người bệnh, niềm vui đoàn viên cho nhiều gia đình.

Phạm Thi Hương
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập