Vươn xanh những cánh rừng
Lượt xem: 146
Năm 2022, diện tích rừng trồng mới của tỉnh đạt 7.000 ha, vượt 28,4% so với kế hoạch (kế hoạch trồng mới 5.450 ha rừng). Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp công tác trồng rừng đạt kết quả cao nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Kết thúc năm 2022, xã Tân An (Văn Bàn) trồng được gần 70 ha rừng, đạt 107% so với kế hoạch giao, nâng tổng diện tích rừng của xã lên gần 1.400 ha. Có được kết quả trên là do chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp phù hợp như công khai trong xây dựng và giao kế hoạch, tuyên truyền khuyến khích người dân chủ động trồng rừng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, khâu chế biến sau thu hoạch trên địa bàn được đẩy mạnh đầu tư, tạo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm lâm nghiệp, mang lại thu nhập cao, tạo động lực thúc đẩy người dân tích cực trồng rừng.

Gia đình ông Triệu Tiến Vạn, thôn Khe Bàn 1 năm nay trồng gần 1 ha quế, nâng tổng diện tích rừng của gia đình lên 4,5 ha. Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng mới trồng, ông Vạn cho biết: Gia đình vừa khai thác đồi quế gần 1 ha, thu về hơn 300 triệu đồng. Trồng quế cho thu nhập cao và nhàn hơn trồng ngô, sắn... sản phẩm từ quế có đầu ra ổn định, năm nay gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng quế. 

Năm 2022, huyện Văn Bàn trồng mới hơn 1.800 ha rừng, vượt gần 21% so với kế hoạch, trong đó diện tích trồng quế chiếm trên 80%. Để có được kết quả trên, huyện đã ban hành nghị quyết và xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích kinh tế rừng; lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ giống, phân bón. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm đến chất lượng giống, phát triển vườn ươm tại các xã, thị trấn, ưu tiên nguồn kinh phí làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển. Văn Bàn xác định quế là cây trồng chủ lực nên có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, canh tác bền vững để sản xuất theo quy mô hàng hóa. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Bát Xát đã hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng từ cuối tháng 11. Đây cũng là năm thứ 9 liên tục, địa phương “về đích” sớm so với kế hoạch giao. Kết thúc vụ trồng rừng năm 2022, huyện Bát Xát trồng được gần 1.200 ha, vượt 8% so với kế hoạch. Ông Trần Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Trước đây, do tập quán canh tác nên các hộ dân trên địa bàn chủ yếu trồng cây lương thực ngắn ngày như lúa nương, ngô, sắn khiến đất nhanh bạc màu. Trước thực trạng đó, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã và các tổ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; ban hành nhiều văn bản định hướng sản xuất lâm nghiệp. Để có được sự thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ canh tác nương sang trồng rừng như hiện nay, huyện và các xã, thị trấn đã kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong nhiều năm. 

Những năm gần đây, Lào Cai là một trong những tỉnh điển hình trên cả nước về trồng rừng mới. Trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đều có nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế rừng, trong đó tập trung vào trồng rừng sản xuất và rừng gỗ lớn. Nhờ vậy, trồng rừng trở thành phong trào tự nguyện, lan tỏa rộng khắp. Theo đó, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế lâm nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng. Hướng dẫn các địa phương, cơ sở gieo ươm chủ động về nguồn giống chất lượng phục vụ trồng rừng. Cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, thực hiện hiệu quả công tác vận động người dân trồng rừng, thống kê đúng, đủ diện tích rừng trồng tại địa phương.

Cùng với đó là các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác phát triển sản xuất và liên kết với cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, thành lập hợp tác xã lâm nghiệp. 

Năm 2022, tỉnh đã thành lập Hội quế hồi với sự tham gia của 67 hội viên nòng cốt và hơn 500 hộ trồng quế, qua đó tăng cường liên kết các hộ, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để phát triển chuỗi liên kết giá trị, sản xuất các sản phẩm quế, hồi; xây dựng và phát triển sản phẩm quế, hồi Lào Cai có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó phải kể tới các biện pháp như triển khai hệ thống vườn ươm, giâm cây giống đến gần khu vực trồng rừng, giúp giảm thời gian, chi phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng cây giống; hướng dẫn người dân mở đường lâm nghiệp, đường vận chuyển đủ để đưa xe chở cây giống lên đồi...

Yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trồng rừng năm 2022 chính là công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành được thực hiện đồng bộ, sáng tạo từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của người dân.

Theo LCĐT

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập