Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 167
Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Tuy nhiên cũng thật trăn trở khi những tiêu chí xây dựng nông thôn mới có thể làm mất đi giá trị văn hóa; hay sự “sao chép” thiếu chọn lọc khiến cho làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau.

Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Sơn La, ngôi nhà trình tường của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, người Hà Nhì ở Lào Cai hay những ngôi nhà của người Mông ở Lạng Sơn, Sơn La,… có kết cấu tường ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và gắn kết tri thức liên quan đến thờ cúng, văn hóa. Tuy nhiên, những ngôi nhà này được xem là chưa đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình còn được vận động để phá bỏ ngôi nhà truyền thống để xây dựng những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) khiến cho các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người có nguy cơ mất dần

Với một chương trình được triển khai sâu rộng như nông thôn mới thì việc cứng hóa và hiểu sai như vậy thì vô cùng nguy hiểm. Tâm huyết với văn hóa nông thôn, bà Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng đôi khi nguồn lực văn hóa chưa được hiểu đúng, đủ, vì thế chưa sử dụng văn hóa tốt nhất cho phát triển.

“Các hiện tượng văn hóa ở nông thôn, chúng ta dùng tiêu chí, dùng con mắt của con người đương đại nhìn vào và cho rằng đấy là lạc hậu, chậm phát triển. Điều đó rất đáng phải loại bỏ. Thực ra các hiện tượng văn hóa đó, khi đã được vận hành trong đời sống xã hội của nười nông dân, tức là đã vô cùng có ý nghĩa đối với đời sống của họ. Từ con mắt của những người nông dân chúng ta sẽ thấy đấy là nguồn lực phát triển. Văn hóa truyền thống chưa bao giờ cản trở gì phát triển, chỉ có phát triển không sử dụng được tốt nhất nguồn lực văn hóa cho mình mà thôi” - bà Nguyễn Thị Phương Châm nói.

giu gin, phat huy gia tri van hoa trong xay dung nong thon moi hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Nhìn về giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cảm thấy trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Chỉ ra thực tế khi đi xa lâu ngày trở về, nhiều người bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà sao thấy lạ. Thấy thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hoá”, lạc lõng với khung cảnh làng quê.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hoá bản địa. Mỗi địa phương có thiên nhiên khác biệt. Mỗi dân tộc có trầm tích những bản sắc văn hoá riêng. Giờ đây, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau: “Khi con người mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn, thì không tránh khỏi xung đột về lợi ích, tính cố kết cộng đồng dần mất đi. Khi ấy, 'đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm', sự so đo, đố kỵ làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm. Con người luôn tồn tại hai trạng thái cảm xúc: tích cực và tiêu cực. Văn hoá giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hoà”.

Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, ông Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng thành tựu về nông thôn mới mới chỉ thiên về lượng, thời gian tới nên chú ý vào chất. Đó là những luận chứng về thẩm mỹ như đường làng, ngõ xóm, cây xanh, mặt nước, dòng chảy… rất đơn giản, nhưng hình thành tình làng nghĩa xóm của người Việt. Bên cạnh đó, bản chất quá trình đô thị là quá trình liên tục. Đô thị hóa nông thôn, nếu kiểm soát tốt, có khả năng tự cân bằng, điều chỉnh về sinh thái thì văn hóa sẽ tiếp cận nhiều nguồn lực.

Nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển. Theo đó, xây dựng nông thôn mới phải hướng đến mục tiêu để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Bên cạnh đó, nông thôn cần được xem là một di sản. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hoá tạo ra giá trị tâm thức. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản. Nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh dân gian, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn, là những nét văn hoá đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, giúp con người sống tử tế, an bình và văn minh hơn.

Xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người. Khi và chỉ khi người dân hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá. Chỉ khi văn hoá len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hoá” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi những giá trị văn hoá được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn.

Nguồn: VOV

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập