Giảm nghèo nhanh sau đại dịch
Lượt xem: 135

Đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm đã tác động rất lớn đến các hoạt động thương mại và đầu tư, gây giảm giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động bị dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp, không có thu nhập. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đến quý III/2022 mới được Trung ương giao cho các địa phương, hiện mới trong giai đoạn hoàn thiện các quy trình đầu tư, phê duyệt dự án. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt người lao động và các đối tượng yếu thế...

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 90 ngày 18/1/2022 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai xác định đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn…

Do vậy, trong khi Trung ương chưa ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2021, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai thực hiện, như ban hành các chỉ thị, kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, năm 2022; thành lập Ban Chỉ đạo chung các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, với quan điểm chỉ đạo: “Trên phải kịp thời, dưới phải chủ động”, “đi cùng và đi trước” khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong nhận thức và hành động từ cơ sở về giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, với quan điểm chỉ đạo: “Trên phải kịp thời, dưới phải chủ động”, “đi cùng và đi trước” khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong nhận thức và hành động từ cơ sở về giảm nghèo bền vững. Điều này có thể thấy rõ ở xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương) là 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên theo Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, bản tập trung tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, những cách làm hiệu quả, gương điển hình thoát nghèo, những hộ tự nguyện thoát nghèo... nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. “Đặc biệt, xã đã chủ động, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo; hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo”, Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin  - Đặng Công Huân cho biết.

Nhiều lao động địa phương có việc làm sau đại dịch Covid-19.

Minh chứng cho điều này là câu chuyện giảm nghèo của hộ ông Giàng Mìn Tỉn, dân tộc Tu Dí ở thôn Ma Ngán. Trước kia, gia đình ông Giàng Mìn Tỉn là một trong những hộ nghèo của xã. Trong những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống và các chế độ, chính sách khác, đặc biệt là UBND xã tuyên truyền, vận động, gia đình ông Giàng Mìn Tỉn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 1,5 ha cây hồng, đến nay đã cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm; trồng hơn 1 ha chè cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, ngoài ra còn chăn nuôi gia súc. Từ hộ nghèo, gia đình ông Giàng Mìn Tỉn đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Hoặc ở thôn Nậm Đó, 69 hộ thì có tới 55 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, bà con trong thôn đã chuyển từ trồng ngô sang trồng chè - một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, nhờ đó có thu nhập ổn định. “Thu nhập từ cây chè cao và ổn định hơn. Trước kia, nhiều người phải đi làm thuê, xa gia đình, vất vả mà thu nhập thất thường. Bây giờ, cả thôn gần như không có người đi làm xa, mà tập trung ở nhà chăm sóc, thu hái chè bán cho nhà máy”, anh Tẩn Khấy Sủ bộc bạch.
Cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, Đảng ủy, UBND xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố - Trần Văn Cường thông tin: Cùng với việc tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, được cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến giảm nghèo bền vững, cấp ủy đảng, chính quyền xã tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề; tuyên truyền, động viên người dân tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước (hiện xã có hơn 400 lao động thường xuyên đi làm tại công ty, doanh nghiệp). Đồng thời, xã đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa công tác giảm nghèo; thực hiện hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo.

Các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 300 hộ vay vốn với số tiền hơn 15 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm; duy trì và nâng cao chất lượng tổ kinh tế hợp tác (tổ sản xuất lê Hoàng Hạ) và 10 mô hình kinh tế hộ (nuôi cá chép ruộng, gà bản). Hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của xã đạt 10,3%, còn 386 hộ nghèo (giảm 52 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo là 17,57%...

Với sự chủ động từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo của tỉnh Lào Cai đạt nhiều kết quả. Theo kết quả rà soát năm 2022, số hộ nghèo là 34.584 hộ/178.583 hộ, chiếm 19,37%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,82%, tương ứng giảm 9.771 hộ nghèo, đạt 129,43% kế hoạch; hộ cận nghèo là 21.732 hộ, chiếm 12,17%. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, đặc biệt sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, tiến tới hoàn thành mục tiêu giảm nghèo mà Đề án số 10 ngày 16/4/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.

CTV

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập