Xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất
Lượt xem: 224
Từ khi triển khai đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bước đột phá tích cực về hạ tầng giao thông, làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới không đơn thuần là xây dựng hạ tầng, mà cùng với đó cần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân để đảm bảo thực chất, bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, Lào Cai đã đạt nhiều kết quả nổi bật, với 62 xã được công nhận đạt chuẩn, 2 địa phương cấp huyện (thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng) đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Nhưng, các địa phương “về đích” nông thôn mới hầu hết là các xã vùng thấp, khu vực I, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển. Từ nay đến hết năm 2025, Lào Cai phấn đấu có thêm 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 29 xã ở khu vực III và 3 xã khu vực II. Đây là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, còn nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới.

Tiêu chí môi trường được quan tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương thực hiện 19 tiêu chí liên quan đến hết hầu hết lĩnh vực, như xây dựng hạ tầng, môi trường, thu nhập… vùng nông thôn. Việc đạt các tiêu chí sẽ góp phần khẳng định chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng, với xuất phát điểm thấp như các xã khu vực III, việc “về đích” nông thôn mới có những tác động đến đời sống người dân khi không còn được thụ hưởng các chính sách đặc thù.

Theo báo cáo của UBND huyện Si Ma Cai, sau khi rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ không được thụ hưởng khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện này có 6 lĩnh vực chịu tác động lớn là giáo dục, dân tộc, văn hóa, nội vụ, ngân hàng chính sách và y tế. Đơn cử như các chính sách trong lĩnh vực dân tộc, theo kết quả rà soát về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, các xã đạt chuẩn nông thôn mới không được thụ hưởng một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội. Trong đó, có 2 dự án là “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” (đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở) và “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc”. Hoặc lĩnh vực nội vụ, các xã “về đích” nông thôn mới thuộc xã loại I thì không còn được hưởng toàn bộ chế độ theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP, như thu hút, trợ cấp lần đầu khi đến nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, phụ cấp công tác lâu năm... Trong khi đó, dù đã “về đích” nhưng các xã vùng cao vẫn có những khó khăn đặc thù, không thể đặt tương quan với các xã khu vực vùng thấp.

Tương tự như Si Ma Cai, tại các địa phương khác sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ với khu vực đặc thù. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh nhận định: Thực tế vẫn có địa phương đang “mất động lực” phấn đấu “về đích” nông thôn mới, bởi khi đó sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo 1 bộ tiêu chí chung, nếu so sánh tương quan các xã vùng thấp với các xã vùng cao hoặc so tỉnh miền núi Lào Cai với các tỉnh miền xuôi sẽ thấy rất khập khiễng. Nếu ví xây dựng nông thôn mới giống như “may đồng phục” cho khu vực nông thôn thì việc “may đo” cần thực hiện tỉ mẩn theo “kích cỡ” riêng của từng xã. Để làm được điều đó thì xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính thực chất, không thể chỉ là một phong trào chạy theo thành tích.

Cũng theo ông Kiên, để xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất thì việc quan trọng nhất mà các địa phương cần thực hiện là người dân phải chủ động làm tốt các tiêu chí người dân cần làm. Đồng nghĩa với đó, việc phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn mang tính đặc thù, tạo tiền đề để người dân phát triển kinh tế là “chìa khóa”. Người dân nông thôn, khu vực đặc biệt khó khăn cần làm quen với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất thành vùng với quy mô tập trung, có liên kết. Khi đời sống người dân được nâng lên, sức mạnh nội lực của địa phương đó sẽ tăng, việc đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cũng vì thế thuận lợi hơn, việc không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cũng không còn là trở ngại.

“Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, cách làm phải thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, không nợ tiêu chí, không chạy theo thành tích”, ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Để xây dựng nông thôn mới thực chất, đúng hướng, các địa phương cần phát huy sức mạnh nội lực, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thay đổi thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững công trình hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư… và từng bước nâng cao “tầm vóc” để vừa vặn hơn với “chiếc áo” nông thôn mới.

CTV
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập