Kết quả bước đầu về chuyển đổi số trong công tác đảng tại Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 507

Chuyển đổi số trong công tác đảng là việc sử dụng công nghệ số hóa và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa các hoạt động và quy trình của một tổ chức đảng và hệ thống toàn Đảng. Mục tiêu của chuyển đổi số trong công tác đảng là tạo ra sự thay đổi toàn diện trong cách tổ chức hoạt động và tương tác với các tổ chức đảng và đảng viên.

Hiện nay, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan diễn ra toàn diện trong mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu. Đón bắt xu thế đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2021, Ban Bí thư ban hành chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số, cải cách hoạt động của các cơ quan Đảng bằng số hóa là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác đảng. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 08 - ĐA/TU, ngày 11/12/2020 về phát triển Công nghệ thông tin tỉnh và Truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong Kế hoạch số 117 - KH/TU, ngày 13/4/2022 của Tỉnh ủy Lào Cai đề ra chỉ tiêu “50% hoạt động kiểm tra, giám sát (không mật) của các cơ quan kiểm tra, thanh tra được thực hiện trên môi trường mạng”. UBND tỉnh và BCĐ chuyển đổi số tỉnh Lào Cai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan -Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra nhiệm vụ “Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác đảng” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo trong cả nhiệm kỳ. Đây là cơ sở định hướng, tiền đề quan trọng cho các cấp ủy, chi bộ trong toàn Đảng bộ Khối tăng cường sự lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động công tác đảng.

Từ quan niệm về chuyển đổi số - quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vận dụng trong công tác đảng, có thể quan niện: Chuyển đổi số trong công tác đảng là quá trình các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác đảng các cấp được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số. Như vậy, chuyển đổi số trong công tác đảng là việc sử dụng công nghệ số hóa và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa các hoạt động và quy trình của một tổ chức đảng và hệ thống toàn Đảng. Mục tiêu của chuyển đổi số trong công tác đảng là tạo ra sự thay đổi toàn diện trong cách tổ chức hoạt động và tương tác với các tổ chức đảng và đảng viên.

Đảng ủy Khối, UBKT và Văn phòng Đảng ủy Khối đã ban hành các kế hoạch, công văn hướng dẫn, đôn đốc cơ sở về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động công tác đảng giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian qua, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh và các cấp ủy, chi bộ trong Đảng bộ Khối đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác đảng. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số. Tập trung sử dụng hiệu quả hệ thống mạng thông tin diện rộng, kết nối đồng bộ hệ thống mạng thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hội nghị trực tuyến, đăng tải, gửi và nhận văn bản kịp thời, an toàn và đảm bảo quy định; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính trong toàn Đảng bộ Khối. Đồng thời, tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong Đảng bộ. Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hội nghị, các lớp bồi dưỡng chuyên đề về chuyển đổi số, công nghệ thông tin cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nói chung cũng như cán bộ làm công tác đảng trong toàn Đảng bộ Khối nói riêng. Qua đó, tạo sự chuyển trong đổi mới tư duy, tác phong công tác, lề lối làm việc của cán bộ công chức, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng. Hiện nay, 100% các văn bản, tài liệu, báo cáo được phát hành chính thức (có nội dung thông tin không mật) được ký số, xử lý, gửi, nhận trên môi trường số, đã đưa chuyển đổi số thành hoạt động thường xuyên, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận, xử lý, nghiên cứu, tra cứu tài liệu, dữ liệu; triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo khoa học, đồng bộ, hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm; kế thừa và phát huy hiệu quả hạ tầng, ứng dụng công nghệ đã đầu tư, khai thác hiệu quả các nền tảng, ứng dụng của Tỉnh, Trung ương đã triển khai; đảm bảo tính liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa Đảng ủy Khối với các cấp ủy cơ sở; cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp an toàn, an ninh thông tin, các chuẩn công nghệ, chuẩn thông tin, tích hợp chia sẻ dữ liệu. Một số tổ chức đảng thực hiện chuyển đổi số tốt, hiệu quả như: Chi bộ Ban Dân tộc, Bệnh viện YHCT, Liên minh HTX, Báo Lào Cai, Công ty Xổ số, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Tỉnh hội Phụ Nữ, Hội LHKHKT, Ban Tuyên giáo TU; Đảng ủy Khối, UBKT Đảng ủy Khối và cơ quan Đảng ủy Khối; Đảng ủy Sở TT và TT, Sở VH và TT, Sở Du lịch, BQL khu KT, Công ty Xăng dầu, Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở GDĐT, VNPT …. Đến nay, có 45/85 cơ sở đã đăng ký chứng thực số, 32/85 cơ sở thực hiện Scan văn bản để gửi Đảng ủy Khối, 08/85 cơ sở thực hiện gửi bản giấy lên Đảng ủy Khối. Năm 2023, đăng ký chứng thực số mới 15 cơ sở.

Như vậy, từ thực tiễn chuyển đổi số công tác đảng tại Đảng ủy Khối, cơ quan Đảng ủy Khối và các cơ sở trực thuộc đã cho thấy những giá trị to lớn mà chuyển đổi số mang lại trong công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện, góp phần cải cách hành chính, thay đổi cách làm việc trong các cơ quan đảng, tăng hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng đến đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ Khối. Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công tác đảng một cách toàn diện, nhằm thúc đẩy toàn diện công tác đảng, nâng cao khả năng tích hợp, đổi mới, sáng tạo trong Đảng.

Trong công tác đảng, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng và cần thiết. Chuyển đổi số thành công sẽ góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa, công khai, minh bạch các hoạt động trong công tác đảng hiện nay, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, hoạt động đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Đảng bộ; tăng cường, củng cố, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bức tranh chuyển đổi số nói chung và công tác chuyển đổi số công tác đảng nói riêng còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực đầu tư hạn chế; thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin trong tổ chức đảng chưa đáp ứng nhu cầu, các tổ chức đảng chưa có hệ thống thống nhất quản lý các nghiệp vụ. Công tác hành chính ở cơ sở rất mất thời gian, trong khi đó cấp ủy viên cơ sở đều là kiêm nhiệm, nên chất lượng, hiệu quả công việc không cao. Công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản của cấp trên trong sinh hoạt chi bộ mang tính truyền thống, điều này có khả năng dẫn đến nhiều thiếu sót, không kịp thời, trùng lặp thông tin; trong khi văn bản của cấp trên thì nhiều, mà thời gian sinh hoạt chi bộ lại có hạn, nên chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn có mặt hạn chế. Việc quản lý đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên còn mang tính thủ công, chưa được số hóa, không tiện cho việc khai thác, tra cứu, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, công tác đảng viên.

anh tin bai

Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Hữu Long - Tỉnh ủy viên, Bí Thư Đảng ủy Khối phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyển đổi số trong công tác đảng và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng trên không gian mạng

Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong công tác đảng, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp đối với công tác chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong hoạt động của các tổ chức đảng nói riêng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng. Nâng cao và phát huy vai trò trách nhiệm của từng cấp ủy, chi bộ, đặc biệt là người đứng đầu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác đảng. Sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy đảng với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trung ương, tỉnh cần có các chủ trương, văn bản chỉ đạo mạnh mẽ về cải cách hành chính trên tất cả các mặt công tác xây dựng Đảng và nhất là cải cách hành chính công tác đảng và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công tác đảng; ban hành bộ thủ tục hành chính số liên quan đến lĩnh vực xây dựng tổ chức đảng thống nhất trên phạm vi toàn quốc; bộ quy trình, thủ tục nghiệp vụ công tác đảng, cụ thể hóa các khâu, các bước và nội dung của từng bước trong công tác đảng, giúp cán bộ làm công tác đảng, cấp ủy, chi bộ nhận thức đầy đủ và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất, từ đó, góp phần nâng cao uy tín của Đảng. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn công nghệ thông tin cho cán bộ, đảng viên. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng để bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, quần chúng nâng cao nhận thức tự bảo vệ trên môi trường số. Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý kết nối liên thông và phát triển ứng dụng công nghệ đảm bảo hiệu quả chuyển đổi số công tác đảng, giảm và tiến tới không sử dụng văn bản giấy, số hóa dữ liệu, quy trình. Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác học tập nghị quyết của Đảng, tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến, số hóa nội dung nghị quyết và các tài liệu học tập nghị quyết giúp cán bộ, đảng viên có thể học tập ở mọi lúc, mọi nơi. Xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phục vụ đắc lực cho việc tra cứu, quản lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác. Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành đến theo chiều ngang và chiều dọc trong Đảng, và kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản điều hành của chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp. Xây dựng Hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng được thực hiện qua môi trường mạng, môi trường số (trừ những văn bản mật)./.

Thuận Nhung - Đảng ủy Khối
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập