Công tác quản lý đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức xây dựng đảng. Bác Hồ nói: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ Đảng”(1). Do vậy, quản lý đảng viên tốt sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Ngược lại, nếu quản lý đảng viên thiếu chặt chẽ sẽ làm cho các nguyên tắc của Đảng thực hiện không nghiêm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút, thậm chí có tổ chức đảng còn mất vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác quản lý đảng viên được thực hiện trực tiếp ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở với những nội dung cụ thể: Về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của đảng viên, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách lối sống, mối quan hệ với nhân dân, khả năng thu hút, tập hợp quần chúng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.
Trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý đảng viên. Ngoài những nội dung Điều lệ Đảng quy định, Đảng đề ra những nguyên tắc, quy định, quy chế về quản lý đảng viên: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng, quy chế chất vấn trong Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm... Vì vậy đã đạt được những kết quả tích cực, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng nghiêm minh hơn, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao.
Tuy nhiên, công tác quản lý đảng viên chưa đạt yêu cầu, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm... Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, có hiện tượng lợi dụng sinh hoạt đảng để nịnh bợ hoặc bôi nhọ, nói xấu nhằm làm mất uy tín của nhau, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, tuyên truyền ý kiến cá nhân trái với nghị quyết của Đảng. Điều đáng nói nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Đại đa số các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là do nhân dân phát hiện tố giác nhất là trong các lĩnh vực: tài chính, ngân sách nhà nước, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng... lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy khen thưởng để phục vụ lợi ích cá nhân chưa được ngăn chặn kịp thời. Chất lượng sinh hoạt chi bộ còn thấp, có nơi sinh hoạt chưa đều kỳ, tỷ lệ đảng viên vắng sinh hoạt còn cao, đến muộn về sớm, không có sổ ghi chép. Một số chi bộ ra nghị quyết chung chung, thiếu biện pháp cụ thể, giao việc cho đảng viên chưa rõ ràng, không có cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao để xếp loại đảng viên. Việc xem xét đề nghị đảng viên được miễn hoãn sinh hoạt chưa chặt chẽ đúng quy định của Trung ương. Nhiều đảng viên cư trú một nơi, sinh hoạt chi bộ ở nơi khác. Đảng viên được miễn sinh hoạt đi làm ăn xa không được quản lý chặt chẽ, chi bộ không nắm được nhiệm vụ của đảng viên, đánh giá nhận xét hằng năm còn chung chung.
Công tác quản lý đảng viên còn thiếu chặt chẽ có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là: Nhiều tổ chức đảng, trước hết là cấp ủy chưa có quyết tâm và giải pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ đảng viên, còn trông chờ vào sự tự giác của đảng viên. Cấp ủy cấp trên ít kiểm tra, hướng dẫn về công tác quản lý đảng viên, các văn bản quy định về quản lý đảng viên ít được quán triệt đến đảng viên, trong khi đó cấp ủy cơ sở trực tiếp quản lý đảng viên nể nang, chưa mạnh dạn đấu tranh phê phán những biểu hiện trái với quy định của Đảng. Nhiều TCCSĐ chưa xây dựng được quy chế hoặc có thì chung chung, việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên còn hình thức, chưa làm cho đảng viên nhận thức rõ khuyết điểm, yếu kém để phấn đấu vươn lên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cấp ủy viên chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, chưa thật sự tiên phong gương mẫu trước quần chúng. Việc lựa chọn bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhất là những nội dung về công tác tổ chức xây dựng đảng, về quản lý đảng viên.
Để bảo đảm công tác quản lý đảng viên chặt chẽ, có nền nếp theo đúng nguyên tắc của Đảng, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, cấp ủy các cấp, trước hết là cấp ủy cấp trên của TCCSĐ cần coi trọng việc hướng dẫn nội dung về công tác quản lý đảng viên. TCCSĐ, nhất là chi bộ cơ sở phải nắm rõ lịch sử chính trị của từng đảng viên, về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, nhiệm vụ cụ thể được phân công, phong cách lối sống, mối quan hệ với nhân dân tại cơ quan và nơi cư trú, khả năng tập hợp vận động quần chúng thực hiện nghị quyết của Đảng, từng nội dung phải được quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy và trách nhiệm cụ thể của từng đảng viên, định kỳ phải được kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức đảng và đảng viên. Chi bộ phải nắm chắc diễn biến tư tưởng, ý thức chấp hành chế độ sinh hoạt, phải hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ của đảng viên, phát hiện những khó khăn, biểu hiện lệch lạc sai sót để uốn nắn kịp thời. Đặc biệt phải hướng dẫn cụ thể cho đảng viên thực hiện những quy định của Trung ương về công tác quản lý đảng viên: Quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về đảng viên được miễn hoãn sinh hoạt, được làm kinh tế tư nhân, đi làm ăn xa nơi cư trú...
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ là vấn đề quan trọng trong công tác quản lý đảng viên. Chi bộ phải là nơi để đảng viên báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện nghị quyết. Vì vậy sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm được ba tính chất: lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu. Trong sinh hoạt phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai và minh bạch theo quy chế làm việc. Khi thảo luận có thể nhiều ý kiến tranh luận trái ngược nhau, song khi đã thành nghị quyết thì mọi đảng viên phải nói là làm theo nghị quyết, khắc phục tình trạng nói một đằng, làm một nẻo, nói nhiều làm ít. Trong sinh hoạt phải nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình, đánh giá xếp loại đảng viên với tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan, không nể nang, né tránh. Khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm cần phải được làm rõ để ngăn chặn kịp thời. Thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc bảo đảm tập trung, dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Ba là, cấp ủy cấp trên định kỳ có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý đảng viên của chi bộ. Tập trung vào những nội dung chính về diễn biến tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, phong cách lối sống của đảng viên, việc xây dựng nghị quyết và triển khai thực hiện công tác quản lý đảng viên, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Trung ương. Cấp ủy cấp trên cần phân công cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo của các ngành phụ trách, theo dõi giúp đỡ chi bộ để kịp thời uốn nắn rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đảng viên. Hằng năm cùng với tổng kết công tác xây dựng đảng cần tổng kết chuyên đề về quản lý đảng viên, tổ chức hội nghị để quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng làm tốt, những điển hình tốt để nhân ra diện rộng, chấn chỉnh kịp thời những tổ chức đảng quản lý đảng viên còn thiếu sót, khuyết điểm.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Nêu gương về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công, giữ gìn đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, gương mẫu đi đầu trong công việc để thu hút tập hợp nhân dân thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải có đăng ký học tập và làm theo lời Bác với nội dung cụ thể. Khi đánh giá xếp loại tổ chức đảng và đảng viên phải có nội dung đánh giá việc học tập và làm theo Bác Hồ.
Năm là, cấp ủy cơ sở, đặc biệt là bí thư chi bộ có vai trò quan trọng trong công tác quản lý đảng viên. Vì vậy cần quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng Đảng nói chung và công tác quản lý đảng viên nói riêng, kiến thức về kinh tế, quản lý kinh tế cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ bảo đảm có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, nắm vững chủ trương, đường lối, các quy định của Trung ương về công tác quản lý đảng viên. Họ phải là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình và trách nhiệm, có khả năng quy tụ và uy tín đối với đảng viên, biết cách xử lý các tình huống nảy sinh.
Thực hiện tốt một số nội dung nêu trên sẽ góp phần tích cực vào công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
-----
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 14, tr.242.
Theo xaydungdang