Chú trọng phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp
Lượt xem: 195
Những năm qua, việc phát triển giống cây lâm nghiệp luôn được tỉnh chú trọng, nhằm chủ động nguồn giống chất lượng cho kế hoạch trồng rừng hằng năm và lâu dài.

Thông thường, khi cây quế đạt từ 7 đến 15 năm tuổi là người dân khai thác trắng và bắt đầu quy trình trồng mới. Vậy nhưng ở xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) lại có khu rừng quế cao lớn vượt trội, đường kính gốc từ 20 cm đến 30 cm vẫn xanh tốt. Đó là rừng quế mà gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ giữ lại để gây hạt giống. Anh Sỹ cho biết: Rất nhiều thương lái đến hỏi mua rừng quế của gia đình với giá từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/cây nhưng tôi không bán. Được Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên tư vấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, quản lý, xây dựng thành rừng giống, gia đình quyết định giữ lại để thu hạt hằng năm, cung cấp nguồn giống bản địa cho bà con trong xã, trong huyện.

Gia đình anh Sỹ có 5 ha rừng quế, trong đó 1,7 ha quế hơn 10 năm tuổi. Đây là giống quế có vỏ dày, nhiều dầu và chất lượng tinh dầu tốt, là nguồn gen hiếm. Năm 2021, gia đình anh thu hơn 2.300 kg hạt, với giá bán 250.000 đồng/kg đã đem lại cho gia đình hơn 500 triệu đồng, cây càng cao tuổi, nguồn thu từ hạt quế càng tăng.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân chăm sóc rừng giống quế chuyển hóa.

Huyện Bảo Yên hiện có hơn 61.000 ha rừng, trong đó hơn 52.000 ha rừng sản xuất. Mỗi năm, huyện trồng mới khoảng 1.200 ha đến 1.500 ha rừng (chủ yếu quế). Tuy nhiên, hiện nguồn vật liệu giống gieo ươm chủ yếu được nhập từ ngoài huyện, giá cao và khó kiểm soát chất lượng. Trước tình trạng đó, Bảo Yên đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp. Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, khai thác hạt giống đúng kỹ thuật cho các chủ rừng khi tham gia phát triển nguồn giống.

Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Đến nay, huyện có 13,73 ha quế thuộc các xã: Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Lương Sơn được công nhận đạt tiêu chuẩn làm nguồn giống cây lâm nghiệp. Số lượng tối đa vật liệu giống có thể cung cấp đạt khoảng 11.800 kg/năm. Việc nguồn giống cây quế sau khi được công nhận sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu vật liệu giống chất lượng tốt để gieo ươm tại chỗ, cung cấp cây giống phục vụ việc trồng rừng trên địa bàn.

Giống là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Thời gian qua, ngành lâm nghiệp Lào Cai luôn coi trọng việc kiểm soát, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chọn lọc, gieo tạo giống mới, sử dụng giống cây bản địa để trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thay thế, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, đã chuyển hóa rừng giống từ rừng trồng được gần 160 ha, với các loại cây như quế, sa mộc, vối thuốc, mỡ, thông đuôi ngựa, bồ đề, măng sặt, măng bói; tuyển chọn 176 cây trội của một số loài bản địa có giá trị kinh tế cao như thanh mai, giổi, trám, xoan đào… và một số vườn cây đầu dòng phục vụ sản xuất giống. Ngoài ra, đã điều tra, khảo sát, tuyển chọn được hơn 10 ha lâm phần cây bản địa (vối thuốc, bồ đề) để phát triển thành rừng giống, phục vụ nhu cầu trồng rừng hằng năm.

Để nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên trên 60% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, thì cần trồng thêm ít nhất 20.700 ha rừng. Do vậy, nhu cầu giống có năng suất và chất lượng phục vụ trồng rừng trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay năng lực cung cấp hạt giống tại chỗ cho các vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại địa phương còn hạn chế. Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Ngành lâm nghiệp đang áp dụng nhiều giải pháp tạo nguồn, nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp theo hướng cải thiện chất lượng di truyền, sử dụng nguồn giống tại chỗ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và đa chủng loại. Việc tuyển chọn nguồn giống trồng rừng để sản xuất cây con, đặc biệt là các loài cây bản địa là rất cần thiết.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng được khoảng 100 ha rừng giống chuyển hóa và lâm phần tuyển chọn để bảo tồn và phát triển loài cây quý, hiếm như pơ mu, giổi, táu, đinh; 300 ha vườn giống, rừng giống có năng suất, chất lượng cao, sinh khối lớn như quế, bồ đề, tông dù, gáo, keo… Nâng cấp các vườn ươm hiện có và thu hút doanh nghiệp xây dựng hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ giống chất lượng cao.

Việc xây dựng các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp bản địa đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các chuyên gia lâm nghiệp và các chủ rừng khẩn trương thực hiện. Các nguồn giống lâm nghiệp sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu cung vật liệu giống chất lượng tốt, gieo ươm cây con trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo LCĐT
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập