Quy trình, nội dung, cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ
Lượt xem: 237563
Thực hiện Chỉ thị số 12- CT/TU, ngày 20/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, vừa qua, BBT Cổng TTĐT Đảng ủy Khối có nhận được ý kiến của một số cấp ủy chi bộ đề nghị giới thiệu quy trình, nội dung, cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ. BBT xin trả lời như sau: 

Hỏi:  Để tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ chất lượng, hiệu quả, cấp ủy chi bộ cần chuẩn bị những gì?

Trả lời: Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì Chi ủy, chi bộ họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần.

Do đó, để có thể tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cấp ủy chi bộ cần chuẩn bị và thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, trước khi sinh hoạt chi bộ:

1. Đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư chi bộ dự kiến nội dung, chương trình, thời gian sinh hoạt chi bộ để đưa ra họp chi ủy.

2. Tổ chức họp chi ủy (bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy)

- Bí thư chi bộ nêu mục đích, yêu cầu buổi họp chi ủy

- Phân công người ghi biên bản

- Bí thư chi bộ trình bày những nội dung đã chuẩn bị

- Chi ủy thảo luận và quyết định:  

+ Thời gian, nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ;

+ Thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại chi bộ;

+ Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết (nếu có);

+ Thống nhất phân công các đồng chí chi ủy viên chuẩn bị nội dung, tài liệu để trình bày trong buổi sinh hoạt chi bộ.

3. Chi ủy thông báo về thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đến đảng viên và cấp ủy viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ (nếu có); nơi có điều kiện gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến.

4. Chi ủy chuẩn bị tài liệu sinh hoạt chi bộ gồm:

- Lựa chọn những nội dung thời sự trong nước, quốc tế, các vấn đề của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sát với tình hình và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ để phổ biến, trao đổi.

- Thông báo kịp thời chủ trương, các văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phổ biến đến đảng viên.

- Đánh giá tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề chi bộ cần quan tâm. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho đảng viên.

- Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng của chi bộ và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để đề ra biện pháp khắc phục; phương hướng, nhiệm vụ của chi bộ thời gian tới (Nội dung đánh giá gồm: việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác tổ chức cán bộ; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể; xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Bộ Chính trị ).

Thứ hai, tiến hành sinh hoạt chi bộ

1. Bí thư chi bộ (hoặc người chủ trì) tiến hành các công viêc:

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (nếu có);

- Thông báo tình hình đảng viên của chi bộ: Tổng số đảng viên, đảng viên chính thức, đảng viên dự bị; đảng viên được miễn công tác, miễn sinh hoạt, đảng viên sinh hoạt tạm thời tại chi bộ và đảng viên đã chuyển sinh hoạt tạm thời đi nơi khác (nếu có); số đảng viên có mặt, vắng mặt (có lý do, không có lý do);

- Thông qua nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ (lấy ý kiến của đảng viên về chương trình, nội dung sinh hoạt);

- Cử thư ký ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ (có thể cử 01 đ/c thường xuyên ghi biên bản các kỳ sinh hoạt chi bộ)

2. Bí thư chi bộ (hoặc người được phân công)

- Trình bày nội dung về tình hình thời sự (theo nội dung đã chuẩn bị)

- Phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

* Sau khi thông tin tình hình thời sự và phổ biến, quán triệt các văn bản mới, chi ủy cần rút ra kết luận về định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và cần liên hệ, gắn với nhiệm vụ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Thông qua báo cáo kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng của chi bộ.

3. Bí thư chi bộ chủ trì việc thảo luận, tham gia ý kiến về các nội dung trên. Trong quá trình thảo luận, đồng chí Bí thư chi bộ cần cung cấp thông tin, định hướng những vấn đề trọng tâm mà đảng viên quan tâm, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.

4. Đảng viên phát biểu ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ.

5. Bí thư chi bộ kết luận:

- Bí thư chi bộ tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt và kết luận những vấn đề lớn, quan trọng mà chi bộ đã thảo luận để bổ sung, hoàn thiện nội dung sinh hoạt; phân công nhiệm vụ cho đảng viên và quy định thời gian hoàn thành. Nếu có nội dung chi bộ ra nghị quyết thì chi bộ biểu quyết thông qua nghị quyết.

- Định hướng tư tưởng đối với đảng viên; giải quyết hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên.

- Đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt.

6. Thư ký trình bày biên bản sinh hoạt chi bộ.

7. Bí thư chi bộ và thư ký hội nghị ký vào biên bản sinh hoạt.

8. Kết thúc buổi sinh hoạt

* Lưu ý: Đối với chi bộ dưới 10 đảng viên thì thời gian sinh hoạt chi bộ ít nhất 60 phút trở lên. Đối với chi bộ còn lại thời gian sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo từ 90 phút trở lên. Sinh hoạt chi bộ do bí thư chi bộ chủ trì, nếu bí thư đi vắng thì phân công đồng chí phó bí thư chi bộ chủ trì.

BBT

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập